Blog

MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trước hết là một hợp đồng mua bán hàng hóa, do đó nó mang đầy đủ đặc trưng của một hợp đồng mua bán hàng hoá. Ngoài ra hợp đồng này còn có yếu tố quốc tế là yếu tố vượt ra khỏi phạm vi một quốc gia nên nó còn phải thoả mãn một số yêu cầu do yếu tố này đòi hỏi.

Luật Thương mại 2005 (Luật quốc gia) đề cập đến hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế tại Điều 27, theo đó “hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tái nhập và chuyển khẩu”. Như vậy, có thể thấy rằng đã có một khái niệm thống nhất về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Luật Thương mại đưa ra các khái niệm về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tái nhập và chuyển khẩu.

Luật Thương mại năm 2005 quy định về xuất khẩu; nhập khẩu; tạm nhập tái xuất; tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu:

“Xuất khẩu hàng hoá là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật” (Điều 28.1).
“Nhập khẩu hàng hoá là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật” (Điều 28.2).

“Tạm nhập, tái xuất hàng hoá là việc hàng hoá được đưa từ lãnh thổ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam” (Điều 29.1).
“Tạm xuất, tái nhập hàng hoá là việc hàng hoá được đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật, có làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu lại chính hàng hoá đó vào Việt Nam” (Điều 29.2).
“Chuyển khẩu hàng hoá là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam” (Điều 30.1).

Với các khái niệm về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu nêu trên, có thể thấy Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 đã sử dụng tiêu chí hàng hóa phải là động sản; hàng có thể được di chuyển qua biên giới của Việt Nam hoặc qua biên giới của một nước (vùng lãnh thổ); hoặc di chuyển qua khu chế xuất, khu vực hải quan riêng…để xem xét tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Trong mua bán hàng hóa quốc tế, các bên có quyền tự do thoả thuận chọn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng của mình. Nguồn luật đó có thể là luật quốc gia, điều ước quốc tế về thương mại hoặc tập quán thương mại quốc tế và thậm chí cả các án lệ (tiền lệ xét xử). Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là nên chọn nguồn luật nào, làm thế nào để chọn được nguồn luật thích hợp nhất để có thể bảo vệ được quyền lợi của mình. Để chọn được luật áp dụng phù hợp, cần phải nắm được một số nguyên tắc lựa chọn luật quốc gia

Thứ nhất, khi hợp đồng quy định:

Có hai cách quy định. Một là, các bên quy định về luật áp dụng ngay từ giai đoạn đàm phán, ký kết hợp đồng, bằng cách chỉ rõ trong hợp đồng rằng luật của một nước nào đó sẽ được áp dụng cho hợp đồng. Trường hợp này gọi là các bên đã quy định trong hợp đồng điều khoản luật áp dụng cho hợp đồng.

Ví dụ: “Mọi vấn đề không được quy định hoặc quy định không đầy đủ trong hợp đồng này sẽ được giải quyết theo luật Việt Nam”, hoặc “Các vấn đề phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này được giải quyết theo luật nước người bán”.

Khi tranh chấp phát sinh trong hai trường hợp trên, các bên và trọng tài hoặc tòa án có thể dựa vào luật Việt Nam hoặc luật nước người bán để giải quyết.

Hai là, các bên thoả thuận lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng sau khi ký kết hợp đồng, thậm chí khi tranh chấp phát sinh. Cách này được các bên áp dụng khi trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế mà các bên đã ký trước đó không có điều khoản về luật áp dụng.

Trong thực tế, cách này khó áp dụng vì các bên không dễ đạt được một sự nhất trí về việc chọn luật áp dụng khi mà tranh chấp đã phát sinh: người bán thì chỉ muốn áp dụng luật của nước nào bảo vệ được quyền lợi cho mình, trong khi đó người mua cũng chỉ muốn áp dụng luật của nước bảo vệ được quyền lợi cho mình. Trong trường hợp này, hai bên chỉ đạt được sự thống nhất khi luật được lựa chọn là luật không nghiêng quá về bảo vệ quyền lợi cho bên nào. Công ước Viên năm 1980 là giải pháp tối ưu cho các bên trong trường hợp này.

Thứ hai, khi Toà án hoặc Trọng tài quyết định:

Điều 14 khoản 2 của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất”.

Như vậy, Trọng tài thương mại Việt Nam sẽ có quyền chọn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế khi phát sinh tranh chấp nếu như các bên không thoả thuận được luật áp dụng.

Thứ ba, khi hợp đồng mẫu quy định:

Trong rất nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, để tiết kiệm thời gian, các bên thường chỉ quy định những nội dung cơ bản liên quan đến đối tượng mua bán và giá cả. Những nội dung còn lại, các bên thường dẫn chiếu đến hợp đồng mẫu. Hợp đồng mẫu thường được các tập đoàn, công ty buôn bán lớn soạn thảo 2
Ví dụ:
Hợp đồng mẫu của ITC về mua bán quốc tế hàng hóa dễ hỏng (The ITC Model Contract for the International Sale of Perishable Goods), Hợp đồng mẫu của ICC về hàng hóa được sản xuất để bán lại (The ICC Model International Sale Contract on Manufactured Goods Intended for Resale) v.v… Những hợp đồng mẫu này chỉ có giá trị khi được các bên tham chiếu bằng cách chỉ rõ trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế rằng quyền và nghĩa vụ của các bên được điều chỉnh bởi hợp đồng mẫu kèm theo. Trong trường hợp này, hợp đồng mẫu sẽ có giá trị bắt buộc đối với các bên và, nếu trong hợp đồng mẫu có quy định điều khoản về luật áp dụng thì luật đó đương nhiên sẽ là luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà hai bên đã ký kết.

Việc thỏa thuận lựa chọn luật quốc gia áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một vấn đề phức tạp, cho nên các chủ thể ký kết không những phải thông thạo luật nước mình, mà còn phải tìm hiểu kỹ luật của nước mà mình có quan hệ hợp đồng, luật của nước mà mình lựa chọn áp dụng để đảm bảo quyền lợi, tránh được những thiệt thòi do sự thiếu hiểu biết pháp luật gây ra.

Related posts

Những lưu ý quan trọng trong thiết kế mẫu nhà biệt thự 2 tầng mái bằng

Trần Thảo Chi

Báo giá máy sơn vạch kẻ đường chuẩn chỉnh nhất thị trường

Đồng hồ Casio bluetooth EQB-1100DC-1ADR có tốt như lời đồn?

Trần Thảo Chi

Leave a Comment